1. Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên chống giặc giữ nước theo phương châm “kẻ trước ngã, người sau đứng dậy” nhưng rốt cuộc đều thất bại.
Một câu hỏi lớn đặt ra với những nhà yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX là, làm sao để đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc? Có người cho rằng phải tiến hành võ trang bạo động, vì “không lấy máu rửa máu thì không thể cải tạo được xã hội hiện tại”. Có người lại lập luận, nếu dùng võ trang bạo động thì sẽ thất bại, bởi thực dân Pháp có vũ khí tối tân hiện đại, nên trước mắt cần phải dựa vào Pháp để “canh tân” đất nước, sau đó mới giành lại độc lập. Người đại diện cho xu hướng bạo động là cụ Phan Bội Châu. Người đại diện cho xu hướng cải lương là cụ Phan Châu Trinh.
Do hạn chế về lập trường giai cấp, cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh cũng như các sĩ phu cấp tiến lãnh đạo phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX không thể tìm được một phương hướng giải quyết chính xác cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nên các cuộc đấu tranh tuy diễn ra rất sôi nổi những đã nhanh chóng bị kẻ thù dập tắt.
2. Xuất phát từ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc và trước những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn Việt Nam, ngay từ mới ra đời, Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng tháng 2 - 1930 xác định: Chủ trương làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản, để đạt được mục tiêu đó phải dùng bạo lực cách mạng để chống bạo lực phản cách mạng. Tuy nhiên, cái khó đối với Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó là vừa mới ra đời Đảng chưa có một đơn vị vũ trang nào làm lực lượng quân sự cho mình. Bởi thế Đảng đã chủ trương tổ chức ra quân đội công - nông, trước hết là các đội tự vệ công - nông, các đội du kích, làm nòng cốt cho toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thực hiện chủ trương của Đảng, từ năm 1930 đến năm 1944, nhiều địa phương trên phạm vi cả nước đã sáng tạo ra nhiều tổ chức vũ trang tuy tên gọi có khác nhau nhưng đều giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân ở các địa phương. Đó là các đội Tự vệ đỏ ở Nghệ An, Hà Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, Đội du kích Bắc Sơn rồi các đội Cứu quốc quân, Quân du kích Nam Kỳ, Đội du kích Pác Bó ở Cao Bằng… Các đội vũ trang nói trên tuy hoạt động rất tích cực và đã có những thành tích đáng kể nhưng đó mới chỉ là các đội du kích của từng địa phương, ảnh hưởng của nó đối với phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân cả nước chưa thật lớn.
3. Khi đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, tuy chỉ có 34 chiến sĩ nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm đã được chọn lựa kỹ càng trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng và trong số những người đi học quân sự ở nước ngoài về, hầu hết đã trải qua chiến đấu và ít nhiều đều có hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự. Là con em của các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc. Không một người nào trong Đội không mang mối hận thù với đế quốc, hoặc nhà cửa bị đốt, của cải bị tịch thu, hoặc cha, anh, chị, em bị bắt, bị bắn, còn bản thân nếu chưa trải qua lao tù thì cũng là những người đang bị truy nã, nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp đã xiết chặt họ lại thành một khối rắn chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi.
Đặc biệt, ngay từ khi mới ra đời, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã có ngay một cương lĩnh chính trị, quân sự đúng đắn. Bản cương lĩnh đó chính là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo. Nội dung bản chỉ thị tuy ngắn gọn nhưng rất súc tích, hàm chứa nhiều vấn đề cơ bản về đường lối quân sự của Đảng, đó là: Vấn đề kháng chiến toàn dân, vấn đề động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng và hoạt động của các thứ quân (quân chủ lực, quân địa phương và lực lượng tự vệ rộng khắp), phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang, nguyên tắc chiến thuật, tác chiến, cách đánh của lực lượng vũ trang bí mật, bất ngờ, tích cực, chủ động, mưu trí và linh hoạt… Đánh giá về văn kiện lịch sử này, tác giả người Nhật Singô Sibata cho rằng: “Những nguyên tắc chỉ đạo cho Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do cụ Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam đề ra trước cách mạng 1945 tiêu biểu cho một lý luận độc đáo, phù hợp với những điều kiện riêng của Việt Nam”(1). Thực tế lịch sử đã chứng minh, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân không chỉ có giá trị định hướng dẫn dắt mọi hoạt động của Đội mà nó còn đánh dấu bước hoàn chỉnh lý luận xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền ở Việt Nam.
4. Được dẫn dắt bởi một cương lĩnh hành động đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã liên tiếp đánh thắng hai trận Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng) ngày 24 và 25-12-1944, giết chết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch trong hai đồn, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.
Sự xuất hiện bất ngờ của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân với hai chiến thắng vang dội Phai Khắt, Nà Ngần, đã tác động mạnh mẽ, gây tâm lí hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ quân địch, đồng thời cổ vũ tinh thần cách mạng của quân chúng nhân dân, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ vùng dậy đạp đổ xiềng xích của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau thắng lợi giòn giã của hai trận Phai Khắt, Nà Ngần, thực hiện phương châm “Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, các cán bộ, chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã nhanh chóng triển khai công tác vũ trang tuyên truyền. Trước hết Đội tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của mặt trận để nhân dân hiểu rằng, đã đến lúc cần phải đứng lên đánh đuổi thực dân, đế quốc và khả năng đánh thắng chúng. Sau đó, Đội bắt tay vào xây dựng tổ chức cơ sở chính trị và lực lượng của địa phương. Đội dựa vào cán bộ địa phương theo cách chọn một số thanh niên trung kiên, tiến hành huấn luyện cấp tốc rồi giao công tác, hoặc cho vào Đội để rèn luyện và bồi dưỡng kinh nghiệm rồi trở về địa phương công tác khi cần thiết. Với những hoạt động tích cực, rộng khắp của Đội “đã tạo nên một khu vực có cơ sở cách mạng rộng lớn từ núi rừng Hoà An giáp tỉnh lỵ Cao Bằng cho đến các châu Nguyên Bình, Ngân Sơn, Chợ Rã và vùng phụ cận các triền núi Phia Uắc, Phia Giả, Phia Bióoc; khu vực này trở thành những căn cứ hoàn toàn, tiến có thể lui, đánh có thể giữ, làm bàn đạp phát triển phong trào về phía Nam”(2).
Như vậy là, sau 14 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với tư tưởng chỉ đạo nhất quán phải sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tích cực chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh. Nếu các đội Tự vệ đỏ trong phong trào cách mạng 1930-1931, Đội du kích Bắc Sơn, rồi các đội Cứu quốc quân, Quân du kích Nam Kỳ…được coi là những hạt giống quân sự đầu tiên của Đảng, giữ vai trò nòng cốt cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương, thì sự ra đời và hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trong những ngày đầu mới thành lập là bước nhảy vọt về chất trong tiến trình chuẩn bị lực lượng cách mạng của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ đây, Đảng ta và cách mạng Việt Nam mới có một đội quân chủ lực vừa làm nhiệm vụ tác chiến, vừa đóng vai trò tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, dìu dắt các đội vũ trang địa phương thực hành tác chiến, mở rộng khu căn cứ cách mạng, để đến khi thời cơ xuất hiện, chính đội quân chủ lực ấy đã giương cao ngọn cờ khởi nghĩa tiến về xuôi cùng nhân dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.