Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi liên tục tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đặc biệt như bệnh cúm A.
1. Bệnh cúm A là gì?
Cúm A (Influenza A) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9, trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với vi rút từ người bệnh thông qua dịch hắt hơi, sổ mũi, qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
2. Các triệu chứng của bệnh cúm A là gì?
+ Sốt, thường trên 38 độ C và ớn lạnh.
+ Ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi.
+ Tiêu chảy và ói mửa.
+ Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để khám.
3. Để phòng chống cúm A cho trẻ, các bậc phụ huynh cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tối đa việc đưa tay lên mắt và mũi. Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi, hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng.
- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch sát khuẩn và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học.
- Theo dõi sức khỏe hàng ngày cho trẻ, nếu trẻ có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho giáo viên chủ nhiệm và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn sớm nhất có thể.
- Thường xuyên đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.
- Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cơ thể, thường xuyên cho trẻ vận động và nghỉ ngơi hợp lý.
- Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả phòng bệnh cúm cho trẻ.