Đường lây truyền bệnh sởi
Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do virut có trong các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra không khí. Trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi khi hít thở phải các hạt nước bọt này. Lây gián tiếp ít gặp vì virut sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh, tuy vậy, trẻ cũng có thể nhiễm sởi nếu như để tay tiếp xúc với một bề mặt (sàn nhà, đồ chơi, khăn mặt, quần áo…) đã có nhiều virut sởi rồi sau đó đưa tay lên miệng hoặc mũi, bởi vì virut sởi có thể tồn tại trong môi trường trong vòng vài giờ đồng hồ. Bệnh sởi có thể lây lan thành dịch lớn. Những trẻ mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho trẻ khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện.
Biểu hiện của bệnh sởi
Khoảng 10 - 12 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh, trẻ chưa có kháng thể chống bệnh sởi bắt đầu có các triệu chứng lâm sàng. Thời kỳ nung bệnh của bệnh sởi khoảng từ 7 - 10 ngày. Bệnh khởi phát sốt đột ngột trên 380C, mắt ướt, nhiều ghèn làm cho mắt bị kèm nhèm, viêm đường hô hấp trên (chảy mũi nước, ho) và có thể bị rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy). Đặc biệt, khi bệnh toàn phát, sốt rất cao có khi thân nhiệt lên tới 39 - 400C, thể trạng li bì, mệt mỏi nhiều. Khoảng 2 - 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên ở mặt trong má, đây là một dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai rồi lan ra mặt, mắt, cổ, thân mình và tứ chi trong vòng từ 1 - 2 ngày. Khi hết sốt, ban sởi bắt đầu mất dần (sởi bay) và sau khi sởi bay có để lại các nốt thâm trên da. Các ban sởi mất dần theo tuần tự, tức là nơi nào xuất hiện trước thì ban bay trước. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Cảnh giác với biến chứng do sởi
Biến chứng hay gặp nhất là gây viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản - phổi từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, nhất là khi trẻ dưới 1 tuổi bị sởi. Biến chứng nguy hiểm nhất do sởi là viêm não - màng não. Lúc này, bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao, co giật, thậm chí gây liệt, rối loạn cơ vòng (đại, tiểu tiện không tự chủ) do tổn thương tủy sống. Ngoài ra, bệnh sởi cũng có thể gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm răng lợi (nguy hiểm nhất là gây nên bệnh cam tẩu mã), viêm loét giác mạc mắt.
Cần làm gì để phòng chống bệnh sởi?
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng với mục đích vừa phòng bệnh cho trẻ vừa tạo miễn dịch bền vững để khi thế hệ này trưởng thành, đến tuổi sinh đẻ có đủ miễn dịch truyền cho con (nữ giới). Vì vậy, khi trẻ đến độ tuổi tiêm phòng sởi (sẽ được phòng y tế, trạm y tế phường, quận phổ biến), cần cho trẻ đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Những trẻ nào đã bỏ sót hoặc quên tiêm phòng sởi, phụ huynh cần cho đến trạm y tế xã, phường để liên hệ tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Tại gia đình có trẻ bị sởi, không cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ bệnh sởi và người nghi bị sởi (nếu trẻ lớn có thể đeo khẩu trang để hạn chế mầm bệnh lây sang người khác). Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sởi. Trẻ mắc sởi nhẹ có thể chăm sóc tại gia đình nhưng phải theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ khám bệnh cho trẻ, không được chủ quan (nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối 9‰, tắm rửa sạch bằng nước ấm để tránh nhiễm trùng và lở loét). Cần theo dõi nhiệt độ hàng ngày (dùng nhiệt kế), dinh dưỡng đầy đủ, thức ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A; cho ăn nhẹ, đủ chất; cho uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước quả tươi) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy; nên nằm phòng riêng (thoáng, sáng, tránh gió lùa); chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ). Khi thấy trẻ sốt trở lại hoặc bất thường, cần cho trẻ đi bệnh viện ngay.