Đây là bước đi quan trọng trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới sắp triển khai. Trong đội ngũ giáo viên tham dự lớp tập huấn có cô Vũ Lan Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2. Dưới đây là những nội dung chia sẻ của cô sau thời gian 10 ngày học tập.
1. Thay đổi cách tiếp cận
Giáo viên tiểu học cốt cán được các giảng viên của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn phương pháp giảng dạy các môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Khoa học, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất. Từ đó, giáo viên tiểu học hiểu rõ hơn về những điểm mới cũng như quan điểm xây dựng chương trình môn học và mục tiêu của chương trình, đồng thời nắm bắt được phương pháp giáo dục phù hợp để triển khai chương trình mới một cách hiệu quả.
CTGDPT mới khi thực hiện sẽ là cuộc cách mạng thực sự bởi chương trình góp phần thay đổi từ cách tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất năng lực người học. Qua lớp bồi dưỡng này, các giảng viên của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam đã trang bị kiến thức cũng như cách đánh giá dạy học theo Chương trình mới cho đội ngũ giáo viên tiểu học cốt cán”.
2. Nắm chắc phương pháp dạy học
Tham dự lớp bồi dưỡng cũng là dịp để các giáo viên chia sẻ các ý kiến góp phần nâng cao chất lượng triển khai và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Sau đợt tham gia dự lớp bồi dưỡng, cô giáo Vũ Lan Anh của trường cho biết: “Sự truyền đạt phương pháp giảng dạy mới cởi mở, nhiệt tình, thân thiện của các giảng viên nước ngoài đã cung cấp cho cô những kiến thức vô cùng quý giá. Đặc biệt, cách tổ chức hoạt động nhóm giúp giáo viên nắm chắc phương pháp dạy học để từ đó giúp học sinh phát huy tính sáng tạo trong quá trình học”.
3. Mỗi giáo viên phải chủ động, sáng tạo
Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 sẽ chính thức học theo CTGDPT mới. Chương trình mới hướng tới việc giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực của một công dân toàn cầu. Để nắm được chương trình - sợi chỉ đỏ của đổi mới giáo dục lần này, đội ngũ GV phải biết phát hiện vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giáo dục và thiết kế đề tài nghiên cứu giải pháp giải quyết; nắm vững kiến thức, kỹ năng về môn học được phân công dạy, biết lập các loại kế hoạch dạy học. Và điều quan trọng là bản thân mỗi giáo viên cũng phải chủ động, sáng tạo tiếp nhận tinh thần đổi mới. Sự thành công của CTGDPT mới, sự thành công của việc bồi dưỡng giáo viên phụ thuộc vào chính sự chủ động, sáng tạo của mỗi thầy cô giáo.